HƯỚNG DẪN MỘT SỐ KỸ THUẬT XỬ LÝ RƠM RẠ SAU KHI THU HOẠCH LÚA

Đăng lúc: 14:03:49 22/09/2021 (GMT+7)

 

Rơm rạ là nguồn phế phẩm trong nông nghiệp, bao gồm sinh khối thân, lá lúa sau thu hoạch. Tỉ lệ rơm rạ/hạt dao động từ 1,0 đến 1,2 (tùy theo độ ẩm). Với sản lượng gần 45 triệu tấn lúa, hàng năm ở Việt Nam có xấp xỉ 45-50 triệu tấn rơm rạ, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng Sông Cửu Long (54%), Đồng bằng Sông Hồng (17%), duyên hải Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ (15,4%). Rơm rạ là nguồn nguyên liệu giàu cenlulo. Đây là nguyên liệu phù hợp cho sản xuất giấy, nhiên liệu sinh học, sản xuất nấm hay phân bón hữu cơ sinh học. Ngoài ra, rơm rạ còn chứa một lượng lớn các dinh dưỡng khoáng như đạm (0,51-0,76% N), lân (0,07-0,12% P2O5), kali (1,17-1,68% K2O), canxi (0,11% CaO), magiê (0,06% MgO), silic (4%).

             Trước đây, rơm rạ phần lớn được sử dụng làm chất đốt, thức ăn cho trâu bò và chất độn chuồng trong chăn nuôi. Hiện nay, rơm rạ đang được sử dụng để SX phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, sản xuất nấm rơm hay vật liệu tủ gốc cây trồng, làm thức ăn cho trâu bò, làm nệm lót chuồng nuôi động vật, nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp như công nghiệp giấy, nhiên liệu sinh học hay than sinh học. Do nhiều nguyên nhân mà rơm rạ không còn được sử dụng cho các mục tiêu truyền thống, cùng với thiếu lao động, áp lực về thời vụ mà số lượng lớn rơm rạ trở thành nguồn phế thải, chủ yếu bị đốt bỏ (làm mất 100% đạm, 25% lân và 50-60% lưu huỳnh có trong rơm rạ), gây ô nhiễm môi trường làm gia tăng phát thải khí nhà kính và lãng phí nguồn dinh dưỡng có ích cho cây trồng. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số biện pháp xử lý rơm rạ phổ biến hiện nay:

1- Ủ rơm rạ với phân gia súc, gia cầm làm phân bón

          Có thể ủ rơm rạ ngay tại đồng ruộng, để bớt công vận chuyển nên chọn một đến vài điểm ủ cho mỗi cánh đồng tùy thuộc vào diện tích. Trường hợp rơm rạ đã được thu gom và tập kết, nên chọn ủ trên đất có mặt bằng cứng hay trên nền lát gạch hoặc láng xi măng. Nếu nền bằng phẳng nên tạo rãnh xung quanh và hố gom nhỏ để tránh nước ủ phân chảy ra ngoài khi tưới quá ẩm. Có thể ủ trong nhà kho, chuồng nuôi không còn sử dụng để tận dụng mái che. Nếu ủ trong kho phải có hệ thống thoát nước. Để ủ 1 tấn phân ủ cần diện tích nền khoảng 3 m2.

         Nguyên liệu sử dụng là rơm rạ, số lượng 70% so với tổng nguyên liệu. Để đảm bảo hoạt động của các vi sinh vật chuyển hóa cellulose, lignin, có thể bổ sung 10% số lượng thân cây bộ đậu, cây có hàm lượng Nitơ cao. Rơm rạ và thân cây trồng khác cần được cắt ngắn bằng thiết bị chuyên dụng, để đảm bảo độ dài cọng rơm rạ < 5 cm, ngâm trong nước qua đêm, tốt nhất là nước vôi với tỉ lệ 3/1.000. Phân chuồng hoặc phân gia súc, gia cầm sử dụng chiếm ít nhất khoảng 20% tổng số nguyên liệu ủ. Trộn đều thân cây xanh đã cắt ngắn với phân chuồng, phân gia súc, gia cầm.

         Để cung cấp bổ sung dinh dưỡng cho vi sinh vật chuyển hóa rơm rạ, cần chuẩn bị rỉ mật đường, đạm urê, phân lân với tỉ lệ 3 kg rỉ mật đường, 5 kg urê và 10 kg lân cho 1.000 kg nguyên liệu ủ. Hòa toàn bộ rỉ mật, urê và lân vào 100 lít nước.

Tiến hành ủ rơm, rạ theo các bước sau:

         - Rải rơm rạ đã chuẩn bị ở trên được trải thành lớp dày 15 cm, sau đó phủ đều hỗn hợp thân cây xanh đã cắt gắn với phân chuồng, phân gia súc, gia cầm lên trên lớp rơm rạ. Phun, tưới hỗn hợp dung dịch rỉ mật đường, urê và lân đã chuẩn bị ở trên với liều lượng bằng 10% tổng lượng rơm rạ đã trải thành lớp. Tiếp tục lặp lại quy trình này cho đến hết nguyên liệu ủ.

          - Sử dụng bạt, bao tải, nilon... phủ kín đống ủ. Nhiệt độ đống ủ sẽ gia tăng trong thời gian 24-48 giờ. Vào mùa lạnh, cần phải che đậy kỹ để nhiệt độ đống ủ được duy trì ở mức 40-50oC.

          - Hàng ngày kiểm tra độ ẩm rơm rạ trong quá trình ủ, đảm bảo nguyên liệu ủ đạt khoảng 60%, có thể kiểm tra bằng cách nắm chặt rơm, rạ trong tay thấy có nước rỉ ra kẽ tay. Nếu rơm rạ khô (vắt không thấy nước rỉ ra kẽ tay) cần bổ sung thêm nước.

          - Sau ủ 15-20 ngày nên đảo trộn khối ủ theo nguyên tắc từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài để thúc đẩy quá trình ủ nhanh hơn. Trường hợp ủ trên đồng ruộng có thể đảo trộn nếu có điều kiện. Có thể sử dụng rơm rạ sau thời gian ủ 1 tháng bằng cách rải đều rơm rạ đã qua ủ ra ruộng trước khi làm đất.

          Trường hợp sử dụng rơm rạ sau ủ bón trực tiếp cho cây trồng (bón thúc), thời gian ủ kéo dài khoảng 2 -3 tháng. Trước khi bón cần phải kiểm tra, xác định nhiệt độ đống ủ không tăng so với nhiệt độ môi trường, đống ủ không có mùi hôi và rơm, rạ chuyển màu đen, dễ bị bở khi tác động nhẹ.

2- Ủ rơm rạ với chế phẩm vi sinh vật

           Chế phẩm vi sinh vật phân giải cenlulo hay còn gọi là men vi sinh là sản phẩm chứa một hay nhiều chủng vi sinh vật sống đã được tuyển chọn với mật độ đạt tiêu chuẩn hiện hành có khả năng phân giải cenlulo, qua đó cung cấp chất dinh dưỡng cho đất và cây trồng, tạo điều kiện nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, tăng độ màu mỡ của đất. Chế phẩm vi sinh vật phân giải cenlulo không gây ảnh hưởng xấu đến người, động, thực vật, môi trường sinh thái và chất lượng nông sản. Hiện nay các chế phẩm vi sinh vật đang được sử dụng trong xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ làm phân bón, nguyên liệu sản xuất phân bón có thể kể đến là chees phẩm sinh học BIMA (Trichoderma), BIO-F, BiOVAC, BiCAT, Bio EM, hoặc chế phẩm EM của Hợp tác xã thương mại nông nghiệp sạch Hoằng Đạo

Có thể ủ rơm rạ ngay tại đồng ruộng hoặc tại địa điểm phù hợp tương tự như ủ rơm rạ với phân gia súc, gia cầm, phân chuồng đã trình bày ở trên.

Tiến hành ủ rơm rạ theo các bước sau:

          - Rải rơm rạ đã chuẩn bị ở trên thành lớp dày 15 cm. Phun, tưới hỗn hợp dung dịch rỉ mật đường, urê và chế phẩm vi sinh đã chuẩn bị ở trên với liều lượng bằng 10% tổng lượng rơm rạ đã trải thành lớp. Tiếp tục lặp lại quy trình này cho đến hết nguyên liệu ủ.

          - Sử dụng bạt, bao tải, nilon... phủ kín khối ủ. Nhiệt độ đống ủ sẽ gia tăng trong thời gian 24-48 giờ. Vào mùa lạnh, cần phải che đậy kỹ để nhiệt độ đống ủ được duy trì ở mức 40-50oC.

          - Hàng ngày kiểm tra độ ẩm nguyên liệu ủ, đảm bảo độ ẩm rơm rạ đạt 60%. Độ ẩm phù hợp được kiểm tra bằng cách nắm chặt rơm, rạ trong tay thấy có nước rỉ ra kẽ tay. Trường hợp rơm rạ khô cần bổ sung thêm nước. Sau ủ 7 ngày và 21 ngày tiến hành đảo trộn đống ủ theo nguyên tắc đảo từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới để tạo điều kiện hoạt động tối ưu cho các vi sinh vật chuyển hóa chất hữu cơ.

          Có thể sử dụng rơm rạ sau thời gian ủ 28-30 ngày. Sản phẩm sau ủ có màu nâu, tơi xốp, không mùi, sờ không nóng, có thể sử dụng như một nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng. Liều lượng bón bằng 1/10 lượng phân chuồng, phụ thuộc đất trồng và đối tượng cần bón. Sử dụng phân ủ có thể tiết kiệm 20-30% lượng phân khoáng theo khuyến cáo. Rơm, rạ sau ủ có thể được bổ sung chế phẩm vi sinh vật đậm đặc và sử dụng như một loại phân hữu cơ vi sinh.

3- Xử lý rơm rạ trên đất 2 lúa làm chất hữu cơ cho đất

             Kỹ thuật xử lý rơm, rạ trên đồng ruộng làm chất hữu cơ bổ sung cho đất trồng được áp dụng ở những nơi chủ động được nguồn nước. Xử lý rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng có tác dụng tăng cường quá trình phân giải rơm rạ thành mùn hữu cơ, qua đó nâng cao độ phì đất trồng, giảm tình trạng ngộ độc hữu cơ do quá trình phân hủy rơm rạ trong điều kiện ngập nước, tăng khả năng khoáng hóa chất dinh dưỡng trong đất và giảm được sự phát sinh cỏ dại trong suốt thời kỳ bỏ đất trống. Một số chế phẩm có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa của rơm rạ thành mùn hữu cơ: chế phẩm vi sinh phân giải cenlulo dạng dịch từ tổ hợp gồm 02 chủng vi khuẩn và 02 xạ khuẩn phân giải các hợp chất cenlulo và chế phẩm vi sinh vật phân giải cenlulo dạng bột hòa tan chứa nấm Trichoderma, liều lượng khuyến cáo dùng cho 1 ha rơm từ 4- 5 kg.

            Rơm, rạ sau thu hoạch được làm mềm bằng các thiết bị cơ giới chuyên dụng. Tùy theo điều kiện có thể chuẩn bị thêm vôi với liều lượng 25-30 kg/ha hoặc phân lân liều lượng 10-12 kg/ha.

 Các bước xử lý được tiến hành như sau:

           - Sau thu hoạch lúa, nếu ruộng không có nước, xả nước vào ruộng để ngâm rơm rạ trong thời gian 1 -2 ngày, sau đó xả hết nước và rải đều lân hoặc vôi trên mặt ruộng.

- Hòa tan chế phẩm vi sinh vào nước và phun ướt đều rơm rạ, cày lật gốc rạ và rơm đảm bảo toàn bộ rơm, rạ được vùi hết vào đất.

- Cho nước vào ruộng ngâm khoảng 1 tuần và tiến hành cày phay đất, sau đó làm phẳng mặt ruộng và tháo bớt nước cho ráo mặt đất.

            - Để ruộng trống 5-7 ngày, cho nước vào và đánh bùn (nếu cần) trước khi sạ hoặc cấy lúa theo quy trình bình thường. Tổng thời gian xử lý tối đa khoảng 3 tuần.

4- Xử lý rơm rạ trồng nấm rơm:

           Rơm rạ sau khi thu về được ngâm vào nước vôi hay tưới trực tiếp lên đống ủ. Nước vôi pha với tỉ lệ 3 kg vôi cho 100 lít nước. Mục đích là diệt nấm tạp, tẩy rửa chất phèn, chất mặn trong rơm rạ.

           Các bước tiến hành như sau: Rơm được chất thành đống, chiều rộng 1,5-2 m; chiều dài 4-8 m. Khi chất đống, cứ mỗi lớp rơm cao 20-30 cm tưới nước voi để cho rơm thấm đều và dùng chân dậm cho dẽ, tiếp tục chất các lớp tiếp theo cho đến khi đống rơm có chiều cao 1,3-1,5 m. Cần dậm nhẹ cho dẽ, lấy nylon, rơm hoặc lá chuối tủ quanh để giữ ẩm và giữ nhiệt. Thời gian ủ 9 - 12 ngày, sau khi chất đống 3 - 4 ngày tiến hành đảo rơm. Nếu rơm quá ướt, cần giảm bớt dụng cụ đậy bên ngoài. Nếu rơm bị khô, cần bổ sung thêm nước vôi với tỉ lệ 3 kg vôi cho 100 lít nước, tưới vừa đủ. Sau đó kiểm tra lại đống rơm, rơm đủ ướt, khi vắt vài cọng thấy có nước nhỏ vài giọt là tốt nhất. Rơm đủ điều kiện để chất nấm phải đạt yêu cầu: rơm rạ mềm hẳn, có màu vàng tươi, và mùi thơm đặc trưng của rơm rạ khi lên men.

Trên đây là một số biện pháp kỹ thuật để xử lý rơm rạ sau thu hoạch làm chuyển hóa rơm rạ thành các sản phẩm có ích trong phát triển nông nghiệp. Bà con nhân dân nên vận dựng để xử lý một cách triệt để, không nên đốt rơm rạ ở đồng ruộng vừa gây khói bụi, làm cản trở giao thông, gây ô nhiễm môi trường. Việc đốt rơm rạ ở đồng ruộng còn làm ảnh hưởng lớn đến nguồn vi sinh vật có lợi trong đất, làm cho đất trồng cằn cỗi, ảnh hưởng đến năng xuấn và chất lượng của sản phẩm.

Chúc bà con luôn có những mùa vàng bội thu.

                                      Thu Thủy, Đài truyền thanh xã Hoằng Trường

  
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
521084