Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên

  Hoằng Trường là xã đồng bằng ven biển thuộc phía Đông Bắc huyện Hoằng Hóa, cách trung tâm huyện khoảng 15km, thuộc tọa độ 19,50 vĩ Bắc, 105,40 kinh Đông. Phía Tây giáp xã Hoằng Yến, phía Nam và Tây Nam giáp xã Hoằng Hải, phía Đông là biển Đông, phía Bắc có sông Lạch Trường là ranh giới với huyện Hậu Lộc. Hiện nay, dân số của Hoằng Trường là 2.679 hộ, với 10.942 khẩu1.

Hiện nay, xã có 9 thôn, với tổng diện tích tự nhiên là 598,85ha, trong đó: đất sản xuất nông nghiệp là 181,84ha, đất lâm nghiệp là 149,56ha, đất chuyên dùng là 132,39ha, đất đồi núi, bãi biển là 52,68ha, đất thổ cư là 68,26ha, còn lại là các loại đất khác, có đường bờ biển dài 4,9km, đường ven sông dài 2,1km.

Là xã đồng bằng ven biển nhưng địa hình Hoằng Trường bị chia cắt. Với đặc trưng nằm trên dải đất cát ven biển, vùng mép biển là những dải cồn cát lượn sóng, làm thành một hàng rào chạy song song mép biển, chủ yếu trồng các cây cỏ cứng và cây phi lao chắn cát. Bên trong là dải đất trũng, hẹp, thấp hơn dải cồn cát, có thể trồng các loại cây khoai lang, vừng, lạc, dâu, rau màu... Khu vực gần chân dãy núi Linh Trường có nguồn nước ngầm lớn, địa hình thấp hơn, có thể canh tác trồng lúa nước. Đất ở đây chủ yếu do quá trình bồi tụ cát của luồng hải lưu bởi các mũi phù sa của sông Hồng và sông Mã, kết hợp với phù sa do sông Lạch Trường (vốn là sông Mã trước kia) kết hợp với thủy triều vùng cửa sông bồi đắp hàng nghìn năm tạo thành.

Sông Lạch Trường chảy qua phía Bắc xã với chiều dài khoảng 2,1km, có đò ngang Y Vích sang huyện Hậu Lộc, phong cảnh nên thơ, nên nhân dân ở đây có câu thơ rằng:

“Quê em ở đất Hà Rò

Có ăn lang bột sang đò cùng em”.

Trước khi đổ ra biển, sông Lạch Trường đã tạo thành vùng cửa sông rộng tới 300m, bằng phẳng, là nơi thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, neo đậu tàu thuyền cho những chuyến ra khơi dài ngày. Năm 1470, Lê Thánh Tông du tuần tại đây đã có thơ đề Linh Trường Hải khẩu (cửa biển Lạch Trường) và bài tựa có đoạn: “Bên cạnh núi là biển, núi xanh cao vút, hình núi dị kỳ đứng sững ở cửa biển, chân núi có động sâu thẳm không cùng, tương truyền đấy là miệng rồng, ngoài cửa động có viên đá như hình cái mũi, tương truyền đấy là mũi rồng, dưới núi mọc lên một viên đá tròn nhẵn, tương truyền đấy là hạt ngọc, đá lớn lô nhô rất nhiều hình thái, chỗ thưa, chỗ dày, không thể đếm được, tương truyền đấy là râu rồng”. Ngày nay, trên vùng cửa sông đã cho xây dựng Cảng cá Lạch Trường và có các nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu.

Dọc theo phía Tây, có dãy núi Linh Trường tiếp nối với núi Kim Chuế thuộc xã Hoằng Yến, đỉnh có độ cao nhất khoảng 205m kéo dài đến Mũi Hòn Bò (trên bản đồ gọi là Gò Ba Quan), có thể thấy nhấp nhô trong sóng bạc, một ngọn lớn nổi lên giống như một mũi giày mà Bản đồ địa lý Việt Nam gọi là Mũi Hài (Hài Tỵ phong), nhìn xa có thể thấy Hòn Nẹ, thuộc huyện Hậu Lộc đang án ngữ ngay giữa vùng cửa sông như một tiền đồn quan trọng. Nơi đây vừa có vị trí chiến lược quân sự quan trọng, vừa có trữ lượng mỏ khoáng sản và là nơi thuận lợi để trồng và khai thác lâm sản.

Cùng với đó, dọc phía Đông xã là 4,9km bờ biển, có bãi cát dài, trắng mịn, nơi có cửa sông Lạch Trường rộng rãi, thoáng đãng, có lợi thế lớn trong nuôi trồng thủy sản, nhất là các loại nhuyễn thể như ngao, vẹm, lại có núi Linh Trường, núi Hòn Bò soi bóng, tạo ra cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, nơi gắn liền với những chiến tích chói lọi qua các thời kỳ lịch sử còn khắc ghi đậm nét trong mỗi địa danh, dấu mốc. Vì vậy, bờ biển Hoằng Trường vừa có thể khai thác phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn liền với tham quan các địa danh, di tích văn hóa lịch sử.

Hoằng Trường nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thông thường có 2 hướng gió chính là gió mùa Đông Nam vào mùa hạ và gió mùa Đông Bắc vào mùa đông, ngoài ra hằng năm có xuất hiện những đợt gió Tây Nam (gió Lào) khô nóng. Những tháng có nhiệt độ cao là từ tháng 5 đến tháng 7, bình quân từ 27 - 370C, thường xuyên xuất hiện các cơn bão lớn, nhiều trận cuồng phong của thiên nhiên đã quét qua nơi này còn ghi lại đậm nét trong ký ức những người con nơi đây. Những tháng có nhiệt độ thấp là từ tháng 11 đến tháng 02 năm sau, bình quân từ 16 - 220C. Mùa hạ nhiệt lượng cao, song do ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu Đại dương vùng ven biển nên đã tạo cho nơi đây môi trường thoáng mát, con người khỏe mạnh, bốn mùa cây cối tốt tươi, cảnh vật hiền hòa đẹp đẽ. Núi Linh Trường, Hòn Bò, bãi biển dài, bằng phẳng kết hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa, Hoằng Trường có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch biển, góp phần đem lại chuyển biến lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Là xã bãi ngang ven biển nên đất đai trên địa bàn xã chủ yếu là đất cát pha, độ phì ít, điều kiện tưới tiêu không chủ động, hệ thống tưới hầu như không có, hệ thống tiêu tuy đã chủ động khắc phục nhiều nhưng chủ yếu là hệ thống mương máng đào đắp thô sơ trên nền đất cát, hằng năm công nạo vét tốn kém lại phụ thuộc vào thủy triều, những lúc triều cường nước biển xâm nhập gây nhiễm mặn. Chịu ảnh hưởng của nắng nhiều, đất bị khô hạn, mưa nhiều bị úng cục bộ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Bởi vậy, diện tích trồng lúa khá hạn chế lại chịu ảnh hưởng mạnh của thời tiết và địa hình nên chỉ gieo trồng được 1 vụ trong năm. Diện tích đất cát pha và cồn cát chủ yếu được sử dụng để trồng cây màu và trồng rừng chắn cát, rừng phòng hộ.

Hoằng Trường có vị trí giao thông quan trọng và thuận tiện. Về đường bộ, có đường Tỉnh lộ 510B chạy dọc địa bàn xã theo hướng Bắc - Nam với gần 5km song song với đường bờ biển. Về đường thủy, có sông và cửa sông Lạch Trường chảy qua xã với chiều dài khoảng 2,1km, có bến đò Y Vích sang huyện Hậu Lộc, nối Hoằng Hóa với các địa phương, nhất là trước đây khi giao thông đường thủy thịnh hành, vùng cửa sông Lạch Trường là đầu mối giao thương quan trọng không chỉ trong nước mà còn với thế giới, thuyền bè từ Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và Ấn Độ đã từng qua đây trao đổi, buôn bán khá sầm uất, trên cửa sông có Cảng cá Lạch Trường. Sử cũ còn ghi lại cảnh buôn bán tấp nập thời Lý trên vùng cửa sông Lạch Trường. Trong cuốn An Nam tức sự đã ghi lại cảnh tượng sầm uất của thương cảng này: “Các phiên thuyền ở hải ngoại tụ tập ở đấy, họp chợ ngay trên thuyền rất đông thật là một thị trấn lớn”. Do đó, nơi đây có những thuận lợi rất cơ bản trong giao lưu, trao đổi buôn bán cũng như trong dịch vụ hàng hải. Đây là điều kiện để giao lưu phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội với các địa phương lân cận và cả nước. Đặc biệt, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, nhân dân xã Hoằng Trường đã và đang phát huy tối đa những tiềm năng sẵn có, cùng nhân dân cả nước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Như vậy, về điều kiện tự nhiên, Hoằng Trường là xã có núi, có sông, có đồng, có biển, có đường giao thông thuận tiện. Song, cũng phải thấy rằng điều kiện tự nhiên của xã còn có những khó khăn cơ bản, nhất là trong buổi đầu con người mới khai cơ lập nghiệp, việc sản xuất lương thực rất khó khăn do ít đất phù sa, lại khó làm thủy lợi, chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lụt hằng năm. Phát huy những thuận lợi và từng bước khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên luôn là động lực và khát khao trong mỗi người dân nơi đây, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng nỗ lực vươn lên lập nên những chiến công, góp phần tạo nên những đặc điểm và truyền thống của con người Hoằng Trường.

Thu Thủy -Trích LSĐB x Hoằng Trường(TB 2020)

 

 

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
521084