55 năm Điện Bàn- Hoằng Hóa Thủy chung son sắt, vững chắc tương lai.

Đăng lúc: 08:46:38 18/07/2018 (GMT+7)

Trong chúng ta, ắt hẳn nhiều người đã một lần nghe ca khúc “Lời ca dâng Bác” của nhạc sỹ Trọng Loan “Ai yêu Miền Nam như  tấm lòng Miền Bắc, có mối tình nào mà thủy chung mà son sắt như tấm lòng Miền Bắc hướng về Miền Nam. Bao núi bao sông bấy nghĩa bấy tình…”, lời bài hát gợi lên những bài học lịch sử về mối tình Bắc – Nam keo sơn. Đất nước ta những năm tháng chiến tranh chống Mỹ đã có bao nhiêu mối tình Bắc – Nam. Hoằng Hóa - Điện Bàn là mối tình như thế, để hôm nay, trong tháng ngày bình yên này, chúng ta cùng ngồi lại bên nhau ôn kỷ niệm với niềm xúc động, tự hào…

Cách đây 55 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn ác liệt, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh phong trào đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc và kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược,  ngày 12/3/1960, lễ kết nghĩa giữa 2 tỉnh Thanh Hoá và Quảng Nam được tổ chức.  Sau đó, ngày 20/7/1963, huyện Hoằng Hóa đã long trọng tổ chức lễ kết nghĩa với huyện Điện Bàn . Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc, đã tạo ra giá trị tinh thần, vật chất to lớn động viên, cổ vũ Đảng bộ và nhân dân hai huyện trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược của cách mạng đến ngày toàn thắng.

Nhớ lại những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với phương châm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoằng Hóa luôn sát cánh, sẻ chia khó khăn, gian khổ, cùng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Điện Bàn anh dũng chống kẻ thù xâm lược. Đã có hàng vạn người con Hoằng Hóa hăng hái lên đường vào miền Nam, vào Điện Bàn trực tiếp chiến đấu chống Mỹ mà không sợ hy sinh, gian khổ với lý tưởng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai". Trên mảnh đất đầy máu lửa của Điện Bàn trong những năm 1968 đến năm 1975 có hàng trăm chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn, của Trung đoàn bộ binh Lam Sơn đã đồng cam cộng khổ chiến đấu anh dũng cùng với quân và dân Điện Bàn, lập nên những chiến công vẻ vang. Các trận đánh của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn còn mãi lưu danh trong trang sử vàng Điện Bàn như ở Gò Nổi, Cấm Lớn, Gò Mùn, Ngũ Giáp...Trong từng trận công đồn, trong những lần chuẩn bị chiến trường, năm tháng bám dân, bám đất đánh địch, nhiều người con của Hoằng Hóa đã anh dũng hy sinh hoặc đã để lại một phần cơ thể của mình trên đất mẹ Quảng Nam- Điện Bàn, hiến trọn đời mình cho Tổ quốc được đơm hoa độc lập, được kết trái tự do. Nhà thơ bộ đội Lưu Trùng Dương đã viết:

"Từ, những trận đầu "ba mũi giáp công" đến Mậu Thân, Kỷ Dậu...đất chuyển trời rung. Rồi ào ào trúc chẻ ngói tan, thế trận lòng dân nên mùa Xuân đại thắng!

Sao kể xiết bao máu tràn lệ đẫm!

Máu Quảng Đà- Thanh Hóa,

Máu miền Bắc, miền Nam,

Máu của đồng bào, đồng chí

Trong mỗi bước đường, tấc đất Quảng Nam"

Không những vậy, để chia lửa với miền Nam và Điện Bàn ruột thịt, phát huy hào khí con cháu bà Trưng, bà Triệu, quân và dân Hoằng Hóa đã lập nên những chiến công hiển hách như chiến công của các cụ lão dân quân xã Hoằng Trường bằng súng bộ binh đã bắn rơi hai máy bay "thần sấm", "con ma", "giặc nhà trời" của không quân Mỹ; chiến công của 75 dũng sĩ Yên Vực đội mưa bom bão đạn của kẻ thù băng qua sông tải đạn, góp phần làm nên chiến thắng Nam Ngạn- Hàm Rồng lịch sử...

Cùng với tiền tuyến, nhân dân Hoằng Hóa đã ra sức thi đua với tinh thần lao động sáng tạo trên các công trường, nông trường, đồng ruộng đã đóng góp hàng chục vạn tấn lương thực, thực phẩm chi viện cho cách mạng miền Nam với tinh thần tất cả vì Miền Nam ruột thịt, vì Điện Bàn thân yêu. Từ các phong trào ấy, nhiều đội cấy, hàng cây, công trình thủy lợi, trường học, cánh đồng cao sản mang tên Điện Bàn, mang tên Nguyễn Văn Trỗi đã xuất hiện.

Đáp lại nghĩa tình của hậu phương Hoằng Hóa, quân và dân Điện Bàn đã kiên cường bám trụ nơi tuyến lửa, vượt qua muôn vàng gian khổ hy sinh, anh dũng đi đầu trong đấu tranh chống quân xâm lược Mỹ với tinh thần "không có gì quý hơn độc lập tự do",“đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” theo lời Bác Hồ kính yêu mong đợi.

Trên quê hương Điện Bàn nổi lên mạnh mẽ các phong trào “ Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, chiến đấu anh dũng trên các “Vành đai du kích diệt Mỹ”, “Noi gương anh Trỗi hăng hái tòng quân giết giặc”, “Thanh niên 5 xung phong, 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 4 đảm đang”, nhân dân bám đất, bám làng, che giấu, nuôi dưỡng, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ (trong đó có cán bộ, chiến sĩ quê hương Hoằng Hóa) với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời”, ý Đảng lòng dân son sắt, từ đó đã lập nên những chiến công vẻ vang, sáng ngời về lòng quả cảm, khí phách anh hùng của những người con Điện Bàn kiên trung bất khuất, xứng đáng với danh hiệu cao quý: quê hương trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ.
Trong mỗi thắng lợi của quân và dân Điện Bàn có sức cổ vũ, động viên, chi viện  vô cùng to lớn của đồng bào, chiến sỹ miền Bắc anh hùng, của đồng bào chiến sỹ Hoằng Hóa, Thanh Hóa kết nghĩa keo sơn. Chính điều này là động lực quan trọng để Đảng bộ, quân và dân huyện Hoằng Hóa và huyện Điện Bàn trong kháng chiến tiến lên giành nhiều thắng lợi vẻ vang, góp phần cùng với quân và dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau ngày đất nước thống nhất, mối tình Hoằng Hóa- Điện Bàn nghĩa càng thêm nặng, tình càng thêm sâu. Trong hoàn cảnh Quảng Nam nói chung, Điện Bàn nói riêng đã chịu nhiều mất mát đau thương trong chiến tranh, không thôn, xã nào không bị kẻ thù tàn phá, không mảnh đất nào không bị đạn nổ, bom rơi, không gia đình nào không có mất mát, hy sinh, sau chiến tranh thì bộn bề khó khăn, đặc biệt là thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn để làm nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Và Hoằng Hóa đã cử nhiều cán bộ vào giúp đỡ Điện Bàn trên các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, giáo dục...Được sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh và của người anh em Hoằng Hóa, Điện Bàn đã nhanh chóng vượt qua muôn vàng khó khăn thách thức, khắc phụ hậu quả chiến tranh, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, tăng cường QPAN...sớm đưa Điện Bàn từ huyện nông nghiệp cơ bản thành huyện công nghiệp năm 2010 và được UBTVQH (khóa XIII) ban hành Nghị quyết công nhận Thị xã Điện Bàn và 7 phường nội thị vào năm 2015, cũng trong năm đó, Chính phủ ban hành Quyết định công nhận thị xã Điện Bàn đạt chuẩn thị xã nông thôn mới.

Suốt trong 43 năm sau ngày đất nước thống nhất đến nay, tình nghĩa thuỷ chung son sắt giữa hai địa phương càng được phát huy. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoằng Hóa và thị xã Điện Bàn thường xuyên gắn bó, động viên, chia sẻ nhau cả về tinh thần, lẫn vật chất và cùng thi đua xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước.
Kỷ niệm các sự kiện lịch sử của mỗi địa phương, ngày thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm hay trong những đợt thiên tai, lũ lụt lớn, lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của hai đơn vị đã nhiều lần tổ chức các đoàn  thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn, mất mát trong thiên tai. Hoằng Hóa - Điện Bàn còn thường xuyên trao đổi học tập lẫn nhau những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; chia vui với những thành tựu đạt được, có thể nói rằng: "Hoằng Hóa khó khăn Điện Bàn có mặt và Điện Bàn khó khăn Hoàng Hóa chung tay". 

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, dù trong khói lửa chiến tranh hay trong bộn bề công việc trên con đường xây dựng quê hương, đất nước hôm nay, mối tình gắn bó keo sơn Hoằng Hóa - Điện Bàn như nhà văn Từ Nguyên Tĩnh viết: đó là "sự lựa chọn diệu kỳ" luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai địa phương giữ gìn, vun đắp, mãi mãi là niềm tự hào, là tài sản tinh thần vô giá của các thế hệ và nhân dân hai địa phương. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tình nghĩa thủy chung son sắt Điện Bàn - Hoằng Hóa sẽ còn mãi theo thời gian, là nền tảng cho một tương lai vững bền. Xin mượn hai câu thơ trong bài viết Hoằng Hóa - Điện Bàn - tình sâu nghĩa nặng của đồng chí Lưu Trần Nhuệ - nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hoằng Hóa thay lời kết:

             “Hoằng Hóa- Điện Bàn nghĩa nặng tình sâu.

                Thủy chung son sắt dài lâu muôn đời!”

                                Thu Thủy, Đài truyền thanh xã Hoằng Trường (St)

 

 

 

 

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
521084