Lễ hội Cầu Ngư Hoằng Trường - nét đẹp độc đáo trong văn hóa tâm linh của ngư dân vùng biển Xứ Thanh

Đăng lúc: 14:52:51 11/05/2023 (GMT+7)

 

 

          Lễ hội Cầu Ngư là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của cư dân cùng biển nước ta. Lễ hội Cầu Ngư là lễ hội lớn nhất của ngư dân sống tại các tỉnh ven biển nước ta, trải dài từ Quảng Bình trở vào Nam và bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc xinh đẹp. Lễ hội Cầu Ngư Hoằng Trường của huyện Hoằng Hóa cũng là một trong nhưng lễ hội đặc sắc của vùng đất Xứ Thanh. Đây một loại hình lễ hội dân gian gắn liền với cuộc sống của ngư dân vùng biển huyện Hoằng Hóa với những nét sinh hoạt văn hóa mang đậm yếu tố tâm linh của ngư dân các vùng cửa biển nói chung, ngư dân vùng biển Hoằng Trường nói riêng. Có thể nói rằng, nguồn gốc sâu xa của lễ hội cầu Ngư chính là tín ngưỡng thờ cá Ông (hay có nơi gọi là cá Voi).

          Lễ hội Cầu Ngư Hoằng Trường xuất hiện từ rất lâu đời nhưng chẳng ai nhớ rõ là có từ bao giờ, mọi người chỉ biết rằng đây là lễ hội mang đậm đà nét đẹp văn hóa dân gian, đồng thời là "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của ngư dân - những người đã gắn chặt cuộc đời mình với biển khơi mênh mông cùng những tháng ngày rong ruổi lênh đênh sống nhờ nguồn hải sản dồi dào. 

          Đối với ngư dân vùng biển, Cá Ông luôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Vốn dĩ đây là cái tên đầy tôn kính và trân trọng mà ngư dân dùng để gọi cá voi – loài cá thường xuất hiện để giúp đỡ con người trong những lúc gặp nạn lênh đênh trên biển cả, đặc biệt là những người quanh năm gắn liền với nghề biển luôn ẩn chứa hiểm nguy rình rập. 

          Chính bởi thế nên cứ vào khoảng trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm, ngư dân Hoằng Trường lại cùng nhau tổ chức Lễ hội Cầu Ngư. Lễ hội vừa là một nét đẹp văn hóa, một phong tục tốt đẹp trong đời sống văn hóa nhằm thể hiện sự biết ơn của ngư dân dành cho Cá Ông, đồng thời là dịp để họ cầu mong, gửi gắm những hy vọng về một năm khai thác thuận buồm xuôi gió, ra khơi suôn sẻ, thuận lợi và bình an với những khoang thuyền cá, tôm đầy ắp.

Trước đây, Lễ hội cầu Ngư hàng năm được diễn ra vào dịp sau tết. Khi ngư dân ăn tết nguyên đán xong sẽ tổ chức lễ hội để cầu an cầu ngư cho một năm khai thác khơi xa thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy thuyền. Vì vậy, hầu hết người dân làm nghề đánh cá đều quan tâm xem đây là việc đại sự, có sự chuẩn bị chu đáo.

          Thật ra không có một ngày cụ thể nào được chọn làm ngày tổ chức Lễ hội Cầu Ngư tại Hoằng Trường cả. Trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến ngày 20/2 âm lịch hàng năm, người dân thường chọn ngày lành tháng tốt, cập bến để tổ chức và tham gia lễ hội.

          Thông thường lễ hội thường gắn với địa điểm thờ cá voi. Tuy nhiên, trải qua quá trình biến đổi của thời gian và sự thăng trầm của lịch sử nên một thời gian dài lễ hội bị lãng quên do không có địa điểm tổ chức. Năm 2011, thể theo nguyện vọng của nhân dân toàn xã. UBND xã Hoằng Trường đã khôi phục lại lễ hội, từ đó, lễ hội Cầu Ngư xã Hoằng Trường được tổ chức thường xuyên. Lễ hội được tổ chức tại trung tâm tượng đài lão dân quân Hoằng Trường, sau khi chương trình lễ hội được hoàn tất thì thuyền Long Châu được nhân dân toàn xã rước ra biển để hóa.  Đến năm 2019, khi địa phương đầu tư cơ sở vật chất hình thành khu văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường phục vụ đón khách tham quan để phát triển du lịch huyện nhà thì lễ hội được tổ chức thường xuyên tại công viên văn hóa du lịch tâm linh, nơi có địa điểm thờ cá Ông. Nơi đây còn là nơi thực hành nghi lễ tâm linh hàng tháng trong những ngày Sóc, Vọng hay mỗi khi tàu thuyền ra khơi, vào lộng mỗi kênh biển. Nghi thức cúng tế trong lễ hội nhằm mang lại bầu không khí long trọng, thành kính và gửi gắm niềm tin vào vị thần tố cao của biển cả. 

          Lễ hội Cầu Ngư Hoằng Trường thường được tổ chức trong ít nhất hai ngày với hai phần đầy đủ gồm phần lễ và phần hội.

          Trong ngày diễn ra phần lễ của Lễ hội Cầu Ngư, ngư dân sẽ tổ chức một cách trang nghiêm, cung kính với đầy đủ các nghi thức truyền thống, bao gồm rước thuyền Long Châu và các biểu tượng linh vật từ trung tâm của xã đến đàn lễ tại khu vực tổ chức lễ hội, đọc chúc văn, tư văn hành lễ. Đây là những nghi thức tế tự mà con người sáng tạo ra để giao tiếp với thần linh, cầu xin thần linh phù hộ độ trì được bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vật phẩm cúng lễ bao gồm: Hoa quả, xôi gà, trầu cau, rượu trắng, nước. Không khí phần lễ lúc nào cũng trang nghiêm, tĩnh lặng. v.v.

          Trong suốt buổi lễ, khi chủ tế cúng bái trong khu vực đàn lễ, đại diện các hộ gia đình đáp lễ thể hiện sự thành kính đối với các bậc thần linh thì ở phía ngoài, là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi động thu hút đông đảo nhân dân toàn xã tham gia giao lưu, thi thố tài năng ở phần hội. Phần hội trong Lễ hội Cầu Ngư là những trò chơi dân gian, hát giao bài điếm. Ngoài ra, Ban tổ chức lễ hội còn tổ chức các hoạt động thể thao sôi nổi như nhảy dân vũ, đua bè, kéo co, đấu cờ tướng, thi đấu cầu long, bóng chuyền, v.v. Tất cả hoạt động này đã tạo nên bầu không khí lễ hội vừa trang nghiêm nhưng cũng rất sôi động, thú vị.

Các hoạt động vui chơi trong lễ hội nhằm xây dựng cộng đồng đoàn kết, thống nhất trước sự chứng giám của thần linh. Một không khí tưng bừng hấp dẫn, lôi cuốn với nhiều trò diễn dân gian vui tươi phấn khích. Nếu như trong phần lễ có yếu tố linh thiêng và xuất thần để tiếp cận với đời sống tâm linh thì trong phần hội có yếu tố trần tục làm cho con người phấn chấn thăng hoa trong cuộc sống tâm linh.

Lễ hội cầu Ngư xã Hoằng Trường là một sự kiện văn hóa - tín ngưỡng lớn của ngư dân vùng biển Hoằng Trường. Lễ hội được địa phương tổ chức từ sự đồng thuận của nhân dân. Công tác chuẩn bị cho lễ hội bằng cả tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc, được diễn ra đầy đủ các nghi thức, nghi lễ với những trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo, sôi động mang đậm màu sắc văn hóa. Lễ hội cầu Ngư Hoằng Trường là một kho tàng văn hóa chứa đựng trong đó nhiều ý nghĩa và giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, cổ xưa. Những giá trị ấy vừa là nền tảng, vừa là một trong những yếu tố quyết định cho sự tồn tại và phát triển của làng - xã, đó là giá trị phản ánh và bảo lưu truyền thống, tính cố kết cộng đồng, cân bằng đời sống tâm linh, hưởng thụ và giải trí. Tất cả các giá trị ấy chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, giáo dục con người hướng đến Chân - Thiện - Mĩ, là sợi dây gắn kết cộng đồng, đưa con người trở về dòng suối mát trong của văn hóa dân tộc, giúp họ hiểu và tự hào về truyền thống của quê hương mình. Tất cả tạo nên một giá trị văn hóa độc đáo, một sắc thái đậm chất "biển" riêng so với các vùng ven biển khác trong cả nước.

          Vì vậy nếu du khách có dịp về với vùng đất Hoằng Trường vào những ngày diễn ra lễ hội, bạn đừng bỏ qua cơ hội được đắm mình trong bầu không khí lễ hội rộn ràng, sôi động tại đây, du khách còn được khám phá những những điểm tham quan hấp dẫn tại vùng đất Hoằng Trường anh hùng như Đỉnh đồi 82, nới các cụ lão dân quân Hoằng Trường bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, tượng đài lão dân quân Hoằng Trường nơi lưu giữ những hiện vật của các cụ lão quân, thả hồn mình vào với thiên nhiên, biển cả tại bãi đá Râu Rồng và núi Hòn Bò , được ngắm những chiếc dù lượn trên cao sau khi cất cánh từ đỉnh núi Linh Trường.

          Để đưa du lịch của huyện nhà phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của toàn tỉnh thì lễ hội cầu Ngư Hoằng Trường kết nối với khu du lịch biển Hải Tiến sẽ góp phần đưa du lịch tỉnh Thanh phát triển ở tầm cao mới.

                                      Thu Thủy, Đài truyền thanh xã Hoằng Trường

  
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
521084